Biện pháp bảo vệ bệnh nhân ung thư trước đại dịch Covid-19
Ung thư là bệnh mạn tính, theo GLOBOCAN 2020, mỗi năm Việt Nam ước tính có hơn 182.000 ca ung thư mới mắc, hơn 122.000 ca tử vong và hiện có khoảng hơn 353.000 người đang sống chung với bệnh ung thư.
Theo CDC Hoa kỳ, bệnh nhân ung thư sẽ có nguy cơ diễn tiến nghiêm trọng hơn nếu mắc Covid-19. Bên cạnh đó, việc điều trị ung thư cũng khiến cơ thể của bệnh nhân suy yếu và trở nên dễ bị tổn thương hơn.
Còn theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, những người mắc ung thư máu có nguy cơ mắc Covid-19 trong thời gian dài hơn cũng như nguy cơ tử vong vì căn bệnh này cao hơn so với những bệnh nhân mắc ung thư thể rắn (ung thư có hình thành khối u).
Nguyên nhân được phân tích là do những bệnh nhân ung thư máu thường có các tế bào miễn dịch bất thường hoặc lượng tế bào miễn dịch ít hơn, trong khi đây vốn là "nhà máy" sản xuất kháng thể chống lại virus.
Tổ chức này cũng khuyến cáo với những đối tượng nguy cơ cao với Covid-19 như bệnh nhân ung thư, bên cạnh tiêm phòng vắc xin, cách hiệu quả nhất để phòng bệnh chính là tránh tiếp xúc tối đa với những nguồn lây nhiễm virus.
Cụ thể, bệnh nhân ung thư tự bảo vệ mình trong mùa dịch bằng cách hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác. Trong trường hợp tiếp xúc, cần chú ý những nguyên tắc sau đây:
- Mang khẩu trang đạt chuẩn có thể che kín mũi và miệng.
- Cố gắng giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét với người ngoài.
- Tránh những nơi đông người hoặc không gian kín, thông khí kém.
- Rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng. Sử dụng nước sát khuẩn tay trong trường hợp không có nước và xà phòng.
- Che chắn khi ho hoặc hắt hơi.
- Vệ sinh và khử trùng thường xuyên các bề mặt.
- Cảnh giác với những dấu hiệu của Covid-19.
Lưu ý về điều trị bệnh nhân ung thư trong mùa dịch
Theo Bệnh viện Bạch Mai, đối với những bệnh nhân đang được điều trị tích cực, sống trong vùng có dịch hay không, bệnh viện cần xác định những con đường cụ thể để đảm bảo thời gian điều trị với mục đích chữa bệnh.
Việc thăm khám ngoại trú cho bệnh nhân ung thư nên được giảm xuống mức an toàn và khả thi nhất mà không gây nguy hiểm cho việc chăm sóc bệnh nhân.
Đối với bệnh nhân điều trị bằng đường uống có thể theo dõi từ xa, nên cung cấp thuốc ít nhất 3 đợt để giảm tiếp cận bệnh viện. Việc theo dõi xét nghiệm máu cho những bệnh nhân đó có thể được thực hiện tại các phòng xét nghiệm địa phương gần nhà.
Giám sát chuyên sâu hơn nên được áp dụng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi hoặc những người đã được phẫu thuật phổi trước đó, và cho những bệnh nhân lớn tuổi hoặc những bệnh nhân có các bệnh đi kèm khác.
Các biện pháp chuyên sâu nên được thực hiện để tránh lây lan bệnh viện. Cần có các quy trình phân loại nghiêm ngặt và an toàn để đánh giá bất kỳ triệu chứng Covid-19 nào cũng như mức độ khẩn cấp và cần thiết của việc nhập viện.