Những ca sĩ có sản phẩm gây sốt trên TikTok, từ trái qua: Tăng Duy Tân, Hoàng Thùy Linh, MONO, AMEE - Ảnh: Facebook nhân vật
TikTok là một nền tảng ra sau, vừa kế thừa, vừa thay đổi hành vi của một số nền tảng trước đó. Trên TikTok, nhạc không chỉ để nghe mà nó còn là điều kiện cần có để sáng tạo nội dung thông qua hàng tỉ video clip. Các xu hướng phổ biến nhất là "biến hình" và nhảy.
Dễ dãi kéo theo dễ dãi
Để nhạc phổ biến trên TikTok, người bán cần vắt chất xám làm một bản nhạc và phát hành miễn phí trên TikTok. Và đổi lại, lấy sự phổ biến trên TikTok để đi "bán" lại ở những nơi khác. Đó là thực trạng dễ hiểu của một ngành công nghiệp âm nhạc đang bị phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội.
"Cờ trong tay ai nấy phất", bởi vậy nên những ảnh hưởng của nền tảng xuất phát từ Trung Quốc này tới sự phát triển chung của ngành âm nhạc đang dần rõ nét hơn cả.
Tuy nhiên, việc ca sĩ phát hành nhạc luôn dành một phiên bản vinahouse để phục vụ cho khán giả trên TikTok, vô tình lại tạo nhiều sản phẩm nhanh chóng bị lãng quên, hời hợt, na ná nhau. Cứ thế ngày qua ngày, TikTok dần bão hòa bởi những sản phẩm kém chất lượng, sáo rỗng. Đối với một bộ phận khán giả, giờ đây, thay vì nghe trọn vẹn một ca khúc như trước, họ chỉ quan tâm đến đoạn nhạc 15 - 30 giây và quan trọng nhất là đoạn điệp khúc hoặc drop.
Theo nhà sản xuất TDK, việc các nghệ sĩ phát hành thêm bản remix để khán giả dễ "quẩy" là việc làm tự nhiên và hợp thị trường: "Một bài hát có nhiều phiên bản sáng tạo, nhiều phiên bản phái sinh thì đó là điều tốt, vì nó kích thích những người làm nghề phải động não khám phá nhiều hơn, mặt khác lại khuyến khích người nghe tiếp cận một tác phẩm theo nhiều góc độ khác nhau, vì thế mà bài hát cũng có đời sống tốt hơn".
Tuy nhiên, TDK cũng nhận thấy rằng "cách chúng ta sáng tạo mới là vấn đề quan trọng": "Việc remix làm sao cho hay, cho vui mà vẫn giữ được sự văn minh sẽ khó hơn việc chúng ta rập khuôn, đi vào lối mòn với một thể loại nhạc. Mình có thể tóm gọn ý trên là: khuyến khích sáng tạo, nhưng đừng dễ dãi. Vì chính cái dễ dãi của người làm nhạc cũng sẽ tạo nên những thói quen nghe nhạc không tốt cho thế hệ nghe nhạc tiếp theo".
Về điều này, nhà sản xuất Huỳnh Quang Tuấn cho rằng: "Quan điểm của tôi là ta khó có thể ngăn cản những thể loại nhạc này mà cách tốt nhất là nền âm nhạc hiện tại phải đủ hay và thú vị hơn nữa để người ta không tìm đến những thể loại nhạc vô bổ để giải trí".
Độ nhận diện nhạc Việt trên TikTok còn thấp
Không thể phủ nhận từ cánh cửa TikTok, một số ca khúc Việt đã vụt sáng khi gây sốt trên mạng xã hội tại nhiều quốc gia. Nhưng nhìn lại sẽ thấy các ca khúc này giống nhau ở chỗ phiên bản gây sốt đa số đều thuộc thể loại vinahouse với tiết tấu, cấu trúc "hao hao" nhau.
Thực trạng này dẫn đến một hệ quả, đó là tuy nhạc Việt đã có sản phẩm gây chú ý trên thị trường quốc tế, nhưng độ nhận diện còn thấp. Họ dễ dàng lẩm bẩm hát theo giai điệu của một bản audio đang phổ biến trên TikTok, nhưng liệu bấy nhiêu có đủ giúp họ ghi nhớ rằng sản phẩm ấy đến từ Việt Nam?
Tại Việt Nam, dễ thấy những ca khúc có bản phối thuộc phong cách vinahouse đang rất phổ biến, tới mức có thể gọi là "đặc sản". Từ Có chàng trai viết lên cây, Hai phút hơn đến See tình, Vô tư, Thủy chung, Waiting for you... Hầu như bất kỳ thể loại gì, từ tây sang ta, từ truyền thống đến hiện đại, từ pop ballad đến dân ca... đều có thể dễ dàng được các "pháp sư" (tên gọi vui mà dân mạng dành cho các producer) "xập xình hóa".
CEO Châu Lê nhìn nhận: "TikTok là một nền tảng để sáng tạo nội dung và cần phải có âm nhạc, nếu không sẽ không thu hút. Vinahouse với tính chất đơn giản, nhịp điệu nhanh, sôi động lại vô tình phù hợp để các TikToker nhảy nhót nên nó phổ biến tại nền tảng này là điều dễ hiểu. Nghệ sĩ thay đổi để phù hợp với thị hiếu khán giả thì cũng nên làm nhưng hãy nhớ một điều rằng những giá trị chúng ta đã đánh đổi thì sẽ một ngày kết trái".
Suy cho cùng, mạng xã hội chỉ là công cụ, cách những nghệ sĩ lựa chọn sử dụng nó ra sao mới là điều quan trọng vì mỗi sản phẩm khi được làm ra đều có mục đích của riêng. Thời thế luôn thay đổi, nhưng chắc chắn những bản nhạc hay, chất lượng sẽ luôn có đủ sức mạnh để tồn tại trong lòng người hâm mộ.
"Nếu làm nhạc chỉ để hot 15 giây thì chẳng khác nào tự tử"
* Ca sĩ kiêm Hot TikToker Luke D: "Nhạc trên TikTok là một phần quan trọng để tạo nên cảm hứng, ý tưởng cho các sản phẩm video giải trí. Vậy nên nghe nhạc trên TikTok khác với nghe nhạc truyền thống. Âm nhạc trên TikTok gắn liền với muôn vàn kiểu hình video. Giờ đây, có khán giả nghe nhạc trên TikTok rồi mới tìm đến những nền tảng khác như YouTube, Spotify... để nghe bản chính".
* Ca sĩ Tăng Duy Tân: "Có người nói nhạc của tôi nổi tiếng và được nhiều người biết đến một phần chính là nhờ TikTok. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng với tôi, nếu làm nhạc chỉ để hot 15 giây trên TikTok thì chẳng khác nào tự tử hết. Mình là ca sĩ, nếu mình làm tròn nghĩa vụ của mình là truyền tải nội dung bài hát ấy đến với khán giả, làm sao để khán giả dễ nghe dễ hiểu dễ hát lại nhất thì đó mới là nhiệm vụ chính. Bản thân Tân may mắn là vẫn đang đi theo đúng hướng đó, và mình may mắn khi có duyên với TikTok nữa".