TOP

Trang chủ >>Tin Tức

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân miền Tây âu lo bước vào vụ mới

Hiện nay nông dân ở nhiều tỉnh, thành miền Tây đang xuống giống vụ lúa đông xuân 2022-2023. Thời tiết đầu vụ có chút bất lợi do xuất hiện một số cơn mưa cuối mùa và mực nước trên đồng, dưới sông khá cao cũng gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc xuống giống của nông dân. Mặc dù vậy, điều mà nông dân trăn trở, nặng trĩu nỗi lo cho vụ mùa năm nay chính là tình trạng giá các loại vật tư nông nghiệp đều tăng cao.

 

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân miền Tây âu lo bước vào vụ mới

Ông Phan Văn Bình đang canh máy bơm nước để gieo sạ lúa. Ảnh: Văn Sỹ

Vào vụ trong tiếng... thở dài

Vừa nạo vét đường nước, ông Nguyễn Văn Khởi liên tục thở dài khi nhắc tới các khoản chi phí phải bỏ ra cho vụ lúa đông xuân năm nay. Theo ông Khởi, mỗi bao phân Urê 50kg hiện nay cửa hàng vật tư nông nghiệp báo có giá hơn 900 nghìn đồng. Còn phân hỗn hợp đạm, lân, kali giá khoảng 1 triệu 400 nghìn đồng/bao. Giá các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng mầm cũng tăng từ 20 đến 50 nghìn/chai.

“Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật 2 năm nay tăng chóng mặt, khoảng 50 đến 70% so với năm 2020. Trong khi giá lúa ở cánh đồng Ninh Quới A này khoảng 4 đến 5 năm nay giậm chân tại chỗ, từ 5.500 đến 6.200/kg lúa tươi, tùy giống lúa. Tình hình này vụ đông xuân năm nay không biết có lời được bao nhiêu hay huề vốn”, ông Khởi chia sẻ.

Năm nay gia đình ông Khởi canh tác 25 công ruộng. Vụ lúa hè thu vừa rồi thu hoạch xong chỉ đủ hòa vốn. Đó là chưa kể công cán đổ ra hơn 3 tháng trời của cả nhà để chăm sóc các thửa ruộng. Vụ đông xuân này được coi như vụ chính và có lời được hay không là nhờ vụ này. Tuy nhiên, với giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều cao chót vót như hiện nay, trong khi giá lúa trên thị trường chưa đầy 6.000 đồng/kg thì vụ đông xuân này nông dân dự báo sẽ khó có lời.

“Tôi rất mong giá như thế nào cho phù hợp, có giải pháp hữu hiệu để đảm bảo cho nông dân có lời. Chứ nhiều nông dân gần đây không còn mặn mà với nghề trồng lúa nữa rồi”, lão nông Nguyễn Văn Thật (62 tuổi, ấp Ninh Thành, Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) bày tỏ.

Vụ lúa đông xuân này, gia đình ông Kim Ngọc Quang (ấp Tú Điền, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) gieo trồng trên diện tích 6 hécta, với 2 giống lúa: Đài thơm 8, RVT. Lúa của ông khoảng 7 ngày tuổi, do gieo sạ ngay thời điểm xuất hiện một số cơn mưa cuối mùa nên một số thửa ruộng vùng trũng bị chết chòm lõm. Hiện tại, ông đang bón lót các ruộng lúa.

Cũng như nhiều nông dân khác ở miền Tây, ông Quang khá lo lắng trước tình trạng giá cả vật tư liên tục leo thang trong thời gian gần đây: “Giá phân bón, thuốc trừ sâu gần đây lên quá cao, chi phí xới đất, trục đất, giá xăng để chạy máy bơm nước,… đều tăng. Vụ lúa này nếu năng suất không đạt được 1 tấn/công thì chắc khó có lời”, người nông dân 58 tuổi thở dài.

Có cùng tâm trạng lo lắng với giá vật tư nông nghiệp, ông Phan Văn Bình, thị trấn Nàng Mau (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) chia sẻ: Sợ giá phân bón, thuốc trừ sâu sẽ tăng thêm khi vào sản xuất vụ đông xuân nên gia đình ông đã mua dự trữ từ giữa tháng 11. Tuy nhiên, giá phân, thuốc đã tăng lên khoảng 10% so với vụ lúa hè thu vừa rồi.

“Vợ chồng tôi làm 10 công ruộng, cũng tính toán kỹ lưỡng nên đi mua phân thuốc trước, vậy mà giá nó tăng lên hồi nào mình cũng không rõ. Một bao phân đạm 40kg hiện nay 920 nghìn đồng. Còn phân hỗn hợp thì 1.390.000 đồng/bao 50kg. Đâu riêng giá phân thuốc, xăng dầu bơm nước, lúa giống, máy xới đất cũng tăng gần gấp rưỡi so với năm rồi”, ông Bình than thở.

Để nông dân yên tâm canh tác

Thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo thống kê của ngành chuyên môn, vụ lúa đông xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh sẽ xuống giống trên diện tích 171.000ha.

“Trước những ảnh hưởng về giá vật tư nông nghiệp, bà con nông dân cần chú ý bón phân trên lúa cân đối, không bón thừa phân đạm, sử dụng phân bón hữu cơ trên lúa để giảm chi phí đầu tư sản xuất trong vụ mùa; Theo dõi tình hình di trú của rầy nâu, rầy phấn trắng và sử dụng các chế phẩm sinh học cùng các loại nấm xanh, nấm trắng để phòng ngừa rầy nâu, rầy phấn trắng trên đồng”, ông Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết.

Còn theo Thạc sĩ Trần Văn Na, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu, tổng diện tích gieo sạ lúa đông xuân của tỉnh trên 49.000ha. Hiện tại, một số diện tích đã được gieo sạ khoảng 1 tuần, còn lại hầu hết các cánh đồng đang được nông dân cải tạo đất để xuống giống.

“Để giúp nông dân giảm chi phí đầu tư trong thời buổi giá vật tư tăng cao như hiện tại, chúng tôi chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền hướng dẫn cho bà con nông dân áp dụng giải pháp canh tác thông minh, giảm phân bón, giảm thuốc trừ sâu.

Đồng thời sản xuất tập trung, gieo sạ đồng loạt, mở rộng cửa hàng cung ứng vật tư không qua trung gian với giá sát nhất đến nông dân, cùng với đó là đẩy mạnh liên kết tiêu thụ, thu mua lúa với giá cả ổn định để bà con yên tâm canh tác”, ông Na chia sẻ thêm. 

Nông dân Nông nghiệp Miền Tây Tăng cao Giá vật tư Đắk Nông dẹp nạn buôn bán vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng Nông dân miền Tây bất an trước giá cả vật tư nông nghiệp

Nguồn laodong.vn

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân miền Tây âu lo bước vào vụ mới - Tin Tức