TOP

Trang chủ >>Đời Sống

Giải mã điểm vui chơi ở TP HCM: Nơi nhộn nhịp, chốn đìu hiu

L.T.S: Tại TP HCM, người dân sẵn sàng đưa cả gia đình đi nhiều km tới điểm vui chơi tự phát không còn là chuyện hiếm. Trong khi đó, những trung tâm văn hóa nằm ngay khu vực đông đúc lại vắng dấu chân lui tới

 

Không gian xanh nói chung, điểm vui chơi công cộng nói riêng tại TP HCM đang thiếu. Việc thiếu càng trở nên trầm trọng khi có tình trạng "nơi mời ngại đến, chỗ không khuyến khích lại năng qua"

Sau 17 giờ mỗi ngày, cánh đồng rộng lớn nằm trên đường Nguyễn Thị Đành (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP HCM) thu hút hàng trăm người dân dẫn theo con nhỏ đến thả diều. Sân chơi tự phát này xuất hiện hơn 2 tháng nay, tuy tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi dây diều chằng chịt, hàng rong bủa vây nhưng tạo những hứng thú đáng kể.

Giảm bức bí bằng sân chơi tự phát

Cùng gia đình 6 người mang theo tấm trải đi 4 km từ nhà đến cánh đồng diều, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), kể cuối tuần gia đình rất muốn dẫn đám nhỏ ra ngoài dạo chơi, cho chạy nhảy vì cả tuần chỉ học và học. Trong khi đó, Hóc Môn tìm đỏ mắt không thấy công viên cây xanh ưng ý.

"Nhà thiếu nhi thì nằm giáp huyện Củ Chi, rất xa, chưa kể cũng chỉ có mấy trò chơi như đu quay, xe lửa nên tôi chọn đồng diều để tụi nhỏ có thể hít gió trời, thỏa thích với tuổi thơ. Biết là thiếu an toàn vì dây diều chằng chịt nên chúng tôi thay nhau giám sát chặt" - người mẹ trẻ trần tình.

Không chỉ cánh đồng diều này, đồng diều tại ấp 4, xã Xuân Thới Thượng cũng là điểm đến của dân địa phương mỗi chiều. Đường dẫn vào đây bụi bay mù mịt mỗi khi có phương tiện chạy qua nhưng không ngăn nổi dòng người kéo tới.

Giải mã điểm vui chơi ở TP HCM: Nơi nhộn nhịp, chốn đìu hiu

Cánh đồng diều ở quận 12 là điểm đến ưa thích của nhiều người Ảnh: THU HỒNG

Tình trạng "đói sân chơi" cũng diễn ra tại nhiều nơi ở quận Tân Phú. Chị Ngô Thị Đà (sống ở chung cư tại phường Phú Trung) than thở nhà ở chung cư đã ngột ngạt, trước đây mỗi khi muốn dẫn con ra tìm không gian thoáng mà nếu chạy đến công viên Hoàng Văn Thụ phải mất 20 km cả đi lẫn về nên ngại. Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận thì gần nhưng ít khoảng xanh, chủ yếu là các lớp dạy yoga, dạy võ… gia đình chị không mặn mà.

Cũng theo người phụ nữ, do thiếu sân chơi nên dễ hiểu khi công viên nhỏ chỉ 800 m2 đối diện UBND quận Tân Phú vừa đưa vào hoạt động đã lập tức quá tải mỗi buổi tối. Công viên dù chỉ có cây xanh, ghế đá, bãi cát nhỏ nhưng người tới trò chuyện, tập thể dục, trượt patin nhiều tới mức "có khi dang tay tập thể dục còn đụng nhau".

Quận 12 cũng thế. Việc thiếu không gian công cộng khiến vài điểm bờ kè trở thành nơi hữu dụng xả áp lực sau mỗi ngày làm việc. Như bà Nguyễn Thị Tâm (phường Thạnh Xuân), ngồi bên bờ kè rạch Rỗng Tùng đã nhận xét: "May nhờ địa phương cải tạo, làm kè, trồng cây cho con rạch nên người dân có thêm điểm đến. Còn không, chiều chiều cứ phải đi bộ dưới lòng đường để rèn luyện sức khỏe rất nguy hiểm".

TP Thủ Đức nhiều nơi cũng không ngoại lệ, như tại phường Bình Thọ, khi bãi đất trống được cải tạo thành công viên Đoàn Kết thì dù khoảng 1.500 m2 nhưng thu hút rất đông người từ các phường khác tới.

Trung tâm văn hóa - thể thao: "Ế ẩm"

Trong khi các sân chơi tự phát thu hút người dân thì tại các trung tâm văn hóa - thể thao các quận, huyện - nơi tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, rèn luyện thể chất cho người dân - lại vắng người.

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi tìm đến cơ sở 1 Trung tâm Văn hóa quận Gò Vấp (số 485 Phạm Văn Chiêu, phường 13), dù trụ sở khang trang, bề thế nhưng không khí trầm lắng.

Tại đây chỉ có một lớp học khiêu vũ với 1 giáo viên và 4 học viên. Nhiều khu vực và phòng chức năng khác trong tình trạng đóng cửa, cảnh tượng nhìn cũ kỹ, bụi bặm. Nơi nhộn nhịp nhất là tại tầng 1 với Nhà sách Bạch Đằng khi thi thoảng có khách ra vào mua sắm.

Trên khoảng sân rộng và tương đối sạch đẹp, chỉ có 2 chiếc xích đu với vỏn vẹn 6 ghế ngồi. Một vài người lớn đến đành phải ngồi nghỉ chân "ké" trên dụng cụ vốn chỉ dành cho trẻ em này. Trung tâm cũng có số lượng thiết bị tập thể dục ngoài trời rất khiêm tốn là 4. Dù có khoảng sân rộng nhưng chúng vẫn phải nằm khiên cưỡng sát vách tường và gốc cây.

Đến Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Gò Vấp (số 5A Nguyễn Văn Lượng, phường 16), ghi nhận cho thấy nơi đây chung cảnh đìu hiu.

Tại quận 12, nằm ở vị trí đắc địa ngay đoạn giao Quốc lộ 22 - Nguyễn Ảnh Thủ, diện tích hơn 2.000 m2 nhưng Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận này chưa thu hút được người dân như mong đợi. Bên ngoài, mặt sân nhiều chỗ xuống cấp, bong tróc gạch, đọng nước mỗi khi trời mưa. Khu vui chơi với các trò như đu quay, nhà banh… cũ kỹ, tróc sơn, nhiều phụ huynh không dám cho con lại gần vì sợ mất an toàn. Bên trong, hồ bơi đóng cửa, nhìn vào chỉ thấy cỏ mọc.

Ở huyện Hóc Môn, do xuống cấp trầm trọng nên Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (đường Bà Triệu, thị trấn Hóc Môn) đang xin kinh phí để sửa chữa nhằm kéo người dân đến giải trí. Đây là nhà hát rất rộng, từng phục vụ những cuộc thi lớn. Quan sát cho thấy, các hàng ghế gỗ cho khách ngồi đã cũ, nhiều ghế mục, gãy chân phải vá tạm bằng trụ bê tông hoặc để trống. Trên trần nhà, nhiều mảng la phông bong tróc như bẫy. Được biết, nhà hát này chỉ sáng đèn khi thi thoảng có đoàn xiếc về biểu diễn phục vụ thiếu nhi.

Còn tại Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận (số 70-72 Nguyễn Văn Trỗi, phường 8), phần lớn diện tích của trung tâm được dùng làm bãi giữ xe. Thời điểm phóng viên đến chỉ có một vài diễn viên của sân khấu kịch đang luyện tập còn những khu vực và phòng chức năng khác đều vắng bóng người.

Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 4 (đường Khánh Hội) cũng luộm thuộm mà chưa được tu bổ. Từ ngoài bước vào khu hồ bơi, trên trần nhà, nhiều mảng bê tông đã rớt ra để lộ khung sắt. Xung quanh hồ bơi phục vụ thiếu nhi nhiều ghế đá bị gãy chân, một số gạch lót sàn bị bể, mất tạo thành những lỗ hổng nguy hiểm.

Từng là một phần của tuổi thơ

Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 12 có một vài lớp võ buổi chiều hay lớp dạy nhảy dành cho trẻ em, yoga dành cho người lớn nhưng đa số vắng học viên, nơi thu hút nhất có lẽ là rạp chiếu phim Galaxy.

Hồ bơi trong Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 12 đóng cửa, mặt nước hồ nổi rêu xanh Ảnh: THU HỒNG

Cùng nhóm bạn vào rạp chiếu phim giải trí cuối tuần. em Nguyễn Thảo - sinh viên Trường ĐH Tự nhiên TP HCM - cho biết nơi này gắn liền với tuổi thơ của em khi mỗi dịp lễ, ba mẹ đều chở đến đây chơi với các trò đu quay, trượt patin… tuy nhiên qua nhiều năm thì ngày càng xuống cấp. Vòng đu quay cũ kỹ vẫn còn đó, một số trò chơi thu hút như patin, hồ bơi lại đóng cửa… Theo Thảo, điều này khiến các bạn trẻ đến đây không biết chơi gì, may còn rạp chiếu phim để giải trí.

(Còn tiếp)

Nguồn baomoi.com

Giải mã điểm vui chơi ở TP HCM: Nơi nhộn nhịp, chốn đìu hiu - Đời Sống