Ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm ở phường Kim Long (TP Huế) là nơi mệ (bà) Diệp và những sinh viên sinh nghèo sinh sống, bước chân đã yếu và cần người đỡ đần nhưng mệ Diệp vẫn cười móm mém mỗi khi có khách tới nhà.
Người mệ nặng tình với sinh viên nghèo xa quê
Vào một ngày mùa đông ở xứ Huế, mưa chiều rét căm, lần tìm vào trong hẻm 104 phường Kim Long (TP Huế), căn nhà nhỏ màu xanh nhạt của mệ Huỳnh Thị Diệp hiện lên. Mệ Diệp sinh năm 1933, tết năm này là mệ tròn 90 tuổi, ở cái tuổi gần đất xa trời mệ không có con cái hay cháu chắc ruột thịt nhưng lại là người bà có nhiều đứa cháu nhất.
Hỏi chuyện để tìm hiểu về cuộc đời của mệ thì mới thấy mệ Diệp thật phi thường giữa đời thường.
Mệ Diệp sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, nhà đông anh chị em, từ nhỏ mệ đã phải vất vả làm việc để phụ giúp gia đình. Năm 28 tuổi một tai nạn đã cướp đi ánh sáng của mệ, mắt trái bị thương khiến mọi thứ trước mắt mệ dần nhòe đi dù đã trải qua phẫu thuật, sau này về già thì mệ gần như mù lòa cả 2 mắt.
Ngày trẻ mệ làm nhiều công việc để mưu sinh và gắn bó với việc phụ bếp, hậu cần trong nhà thờ, về sau mệ ở vậy để phụng dưỡng cha mẹ già mà không tìm cho mình một mái ấm riêng.
Mệ Diệp bắt đầu cho sinh viên ở trọ miễn phí từ những năm 1990, tính tới thời điểm hiện tại mệ đã cưu mang hơn 200 sinh viên từ nhiều tỉnh thành khác nhau đến Huế học tập.
Nhớ lại những ngày tháng xưa cũ, mệ Diệp kể rằng, cứ mỗi lần đến mùa thi cử mệ lại thấy hình ảnh những người cha, người mẹ vất vả đưa con đi thi. Họ chắt chiu từng đồng tiền lẻ, bán con bò con heo để có tiền làm lộ phí đưa con vào Huế thi đại học, đến nơi thì loay hoay đi tìm trọ tìm nơi nghỉ chân để con cháu có thể yên tâm ôn tập.
Chứng kiến nỗi vất vả đó, mệ Diệp không đành lòng và quyết định mở rộng cánh cửa đón các sĩ tử nghèo vào ở, mệ không nhận một đồng nào và từ đó đến nay quãng đời sinh viên nghèo của nhiều thế hệ đã dừng chân tại đây.
Trong nhà mệ Diệp quy định nam thì ở căn gác phía trên, trải nệm hoặc chiếu ra giữa sàn, còn nữ thì ở trong phòng ở tầng dưới. Mỗi khi có bạn nào ham chơi đi về muộn thì mệ liền nhắc nhở vì lo lắng đường đêm nguy hiểm, có khi mệ thao thức chẳng ngủ được đợi các bạn về rồi la mắng vài câu thì mới an tâm đi ngủ.
Hiện tại, mệ Diệp đã lãng tai mắt lại không nhìn thấy gì nên chỉ có thể cảm nhận mọi thứ bằng những điều thân thuộc, mỗi khi nói chuyện với mệ phải nhờ đến một bạn sinh viên để "phiên dịch".
"Không có gia đình nhưng tui không thấy buồn chi hết, các cháu sinh viên luôn yêu thương và ở với tui là tui thấy mừng rồi". Mệ Diệp khó nhọc nói từng chữ.
Không đành lòng bỏ đi
Hiện tại, trong ngôi nhà nhỏ đang có 4 bạn sinh viên ở với mệ. Thành viên lâu năm nhất là bạn Phan Minh Chiều (23 tuổi, đã tốt nghiệp ĐH Luật - ĐH Huế, quê Hà Tĩnh), Chiều được xem là anh cả trong nhà, có lẽ vì là thành viên sống lâu nhất với mệ Diệp cho đến hiện tại nên trong tiềm thức của mệ, mệ luôn nhớ đến Chiều đầu tiền.
Mỗi khi thức giấc hay có việc thì mệ điều cất tiếng gọi"Chiều ơi Chiều, qua đây có việc"… Nghe tiếng gọi Chiều lật đật chạy sang, đỡ mệ ngồi dậy rồi hỏi han nói chuyện với mệ.
Sau khi đã lo lắng xong cho mệ Diệp, Chiều mới chầm chậm kể, khoảng độ 2 năm trước mệ Diệp còn khỏe, mệ có thể tự nấu ăn và làm mọi việc trong nhà, có khi mệ còn vào bếp chuẩn bị rồi đợi các bạn cùng về quây quần ăn bữa cơm nóng hổi.
Năm nay mệ đã 90 tuổi sức khỏe yếu, không nhìn thấy đường, tai cũng lãng nên làm gì cũng cần phải có người ở bên giúp đỡ, thế là mấy anh em trong nhà tự chia lịch ra để chăm mệ.
Trầm ngâm một lúc, Chiều nhớ lại trước đây có lần mệ Diệp vì không thấy đường nên bị trượt chân ngã bị thương, lúc ấy mọi người hoảng sợ liền đưa mệ đi cấp cứu, may mắn không có nguy hiểm gì nên mệ chỉ cần nghỉ dưỡng vài hôm uống thuốc là khỏe lại. Cũng từ lúc đó, nỗi lo canh cánh với mệ cứ đọng lại trong tim của các bạn sinh viên.
Chiều tâm sự: "Cách đây mấy năm em có ý định chuyển đi vì trường của em là bờ Nam (Đại học Luật Huế), ở bên này đi lại xa quá nên cũng bất tiện, thế nhưng nhìn thấy mệ là em canh cánh trong lòng rồi không nỡ đi, em đi rồi lại lo mệ không có ai chăm sóc. Thế là từ đó đến nay em ở lại đây với mệ, vậy là cũng 5 năm rồi, không nỡ rời khỏi nơi này không nỡ rời xa mệ".Nói với giọng buồn buồn Chiều chia sẻ: "Có lẽ em cũng sắp phải rời khỏi nơi này vì khoảng mùa hè năm 2023 là em hoàn thành khóa thi."
Trong nhà còn có bạn Trần Thị Ngọc Ánh, sinh viên Trường đại học Y Dược (Đại học Huế), Ánh ở căn phòng kế bên phòng của mệ Diệp, đối với Ánh mỗi khi đi học về việc đầu tiên mà Ánh nghĩ đến là ghé sang phòng mệ Diệp thì mới yên lòng.
Những việc sinh hoạt cá nhân của mệ Diệp đa phần là một tay Ánh lo lắng, thấy mệ khỏe mạnh ăn được cơm và uống sữa ngon miệng thì cô bạn mới vui vẻ, hôm nào mệ yếu ăn cơm chỉ vài muỗng là Ánh lại nơm nớp trong lòng rồi dỗ dành mệ uống thêm sữa để có thêm sức.
Thành viên nhỏ nhất trong nhà là Phan Văn Duy, quê ở Nghệ An, sinh viên năm nhất Trường đại học Luật (Đại học Huế). Duy mới vào ở với mệ một năm nay và là em út trong nhà, nhưng mọi thứ ở đây còn thân thuộc hơn bất kỳ nơi đâu. Với tính cách vui vẻ và ấm áp, cậu bạn nhỏ luôn tìm cách làm cho mệ vui vẻ và mang lại tiếng cười cho mọi người.
Đối với Duy mệ Diệp chính là người thân mà ở nơi đất khách quê người cậu bạn đã gặp được, hành trình đi tìm con chữ của Duy cũng đỡ vất vả hơn khi được ở với mệ và những anh chị khác trong nhà, mọi người sớm tối có nhau cùng san sẻ khó khăn và thay nhau chăm sóc mệ Diệp.
Đây điều mà mỗi bạn đều khắc ghi trong lòng và như tâm niệm chứ không phải là gánh nặng hay một việc bắt buộc phải làm để trả ơn mệ Diệp.
Với ngần ấy thời gian nối dài những điều tốt đẹp, nhiều thế hệ sinh viên bước ra từ ngôi nhà của mệ rồi trưởng thành vào đời tìm chân trời mới. Có người đã làm nhà báo, có người là giám đốc thành đạt, người làm bác sĩ… họ trưởng thành từ tấm lòng bao dung của mệ rồi "uống nước nhớ nguồn" mà đều đặn về thăm và giúp đỡ mệ.
Hơn 30 năm âm thầm chia sẻ những điều nhỏ bé giúp đỡ cho đời, mệ Huỳnh Thị Diệp được Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế vinh danh là 1 trong 10 gương mặt phụ nữ tiêu biểu của tỉnh trong năm 2022.