Trảu là loài chim chuyên ăn ong, chuồn chuồn. Chúng bay với tốc độ cực nhanh nên bắt sống con mồi khi đang bay. Công việc này quý ông trảu gánh hết, và đem mồi về cho nàng trong thời gian sinh nở.
Các bà bầu trảu xem ra cũng đỏng đảnh phết, khi thì nàng vui vẻ đón nhận mồi, cũng có khi ngoảnh mặt làm ngơ đầy vẻ cao ngạo, ra cái chiều "em chả thích món này"!
Tôi chộp được một seri ảnh chàng trảu bắt được chú chuồn chuồn. Cu cậu hí hửng bay về đậu cạnh nàng, mỏ ngậm con chuồn chuồn và ra sức quật lấy quật để cho rụng cánh con mồi mong nàng dễ xơi.
Ấy vậy mà nàng trảu ngoảnh mặt làm ngơ, quay đầu từ chối, ngước mắt nhìn trời, và rồi như một bà bầu khó chịu, bay vụt đi để lại anh chồng tần ngần với con mồi béo ngậy ra vẻ xơi thì sợ nàng đổi ý, bỏ thì tiếc.
Nói vậy thôi chứ nàng trảu cũng không phải là dân vô công rỗi nghề. Nàng cũng tích cực giúp chồng đào hang làm tổ để chuẩn bị làm mẹ. Nhìn cái cảnh cả hai bay đi bay về chăm chút cho cái tổ đào sâu vào lòng đất thấy đáng yêu làm sao.
Trảu là loài chim rất nhát, không thể khơi khơi ngồi rình chụp. Mỗi tay máy phải chuẩn bị một cái lều ngụy trang để chui vào đó, thò cái ống kính ra và nín thở chờ thời.
Những chiếc lều ngụy trang của dân săn ảnh chim đang rình chụp chim trảu
Buổi trưa Sài Gònmùa này, giữa đồng không mông quạnh nóng như rang, ngồi trong lều cứ như xông hơi, mồ hôi mồ kê ròng ròng, áo quần ướt đẫm. Nhưng ai cũng nín thở, căng mắt nhìn, và tay trỏ hờm sẵn cò để siết máy.Và cái "bệnh" của dân chụp ảnh chim là không bao giờ hài lòng, thế nên dù đã có ảnh đẹp rồi thì ngày mai vẫn cứ lều chõng ra đồng với hy vọng biết đâu hôm nay có ảnh đẹp hơn!
Lại đang chụp ốc mít được hai ngày thì lại có thêm tin cấp báo: công viên Phú Mỹ Hưng có đôi gõ kiến nhỏ ngực đốm (tên khoa học: Stripe-breasted Woodpecker;Bộ Gõ kiến Piciformes; Họ Gõ kiến Picidae) cũng đang nuôi con.
Trên cùng cái cành phượng khô, giữa chừng là một tổ gõ kiến, còn trên đầu mút là một tổ cu rốc (tên khoa học: Golden- throated Barbet;Bộ Gõ kiến Piciformes; Họ cu rốc Megalaimidae) cũng làm hang trong thân cây khô.
Cũng không khác gì ốc mít, gõ kiến và cu rốc cũng đắm đuối nuôi con từ sớm tinh mơ đến tối mịt. Tổ gõ kiến còn hay hơn nữa là không bao giờ để con một mình. Khi chim bố bay đi thì mẹ ở nhà, cặm cụi gắp từng mẩu phân của con đưa ra ngoài cho sạch tổ. Chim bố mang sâu về cho con thì mẹ lại bay đi.
Thật ra có duyên cớ cả: Nó có sự đe dọa từ kẻ cướp là một đôi sáo, cứ lởn vởn muốn đánh đuổi gia đình gõ kiến. Gõ kiến dù có thân hình bé nhỏ hơn, nhưng nó không hề e sợ, sẵn sàng xung trận khi kẻ cướp đe dọa chủ quyền…
Săn ảnh chim - một thú chơi của không chỉ người về hưu, mà còn có cả giảng viên đại học, bác sĩ, doanh nhân, nhà báo… Tranh thủ lúc rảnh, họ phi đi làm kẻ "ngu" thứ 5! Một thú vui không ảnh hưởng tới ai và góp phần làm đẹp hơn cho một vùng đất lành khi giới thiệu với bạn bè, cộng đồng những bức ảnh chim mùa yêu đương.
Và nữa, cáctay máy săn ảnhchim ngày càng bận rộn cũng là một chỉ dấu tích cực của môi trường, bao gồm cây xanh ngày càng nhiều hơn, và đặc biệt nạn săn chim cũng giảm đi đáng kể.
* Tên khoa học của các loài chim trong bài được dẫn từ sách "Các loài chim Việt Nam" của TS Lê Mạnh Hùng